Con người sinh ra trên cõi đời này, từ thuở mới chào đời cất tiếng khóc tu oa cho đến lúc trưởng thành, không ai tự đoán định được thân phận của chính mình. Có người từ bé đến lớn luôn được cha mẹ cưng chiều, ngoài xã hội được nhiều người ưu đãi, thành đạt công danh rực rỡ. Có kẻ mới chào đời đã không cha mẹ, cuộc sống dãi nắng dầm sương, bôn ba xuôi ngược giữa chốn trường đời. Những người ấy, trong lòng họ luôn âm thầm mong mỏi, đợi chờ một phép mầu đem đến cho họ cuộc sống hạnh phúc. Vậy thế nào là hạnh phúc ?
Trên phương diện từ ngữ, “Hạnh phúc” là chỉ cho vận may phúc tốt, mọi sự thành tựu như ý nguyện. Xét về phương diện cảm nhận hạnh phúc ở thế gian, nó rất đa dạng và phong phú. Nó bàng bạc lan tỏa trong từng tầng lớp đời sống con người trong xã hội, từ bậc trí thức thượng lưu cho đến thành phần lao động, đều có cảm nhận riêng.
Đối với thành phần lao động, hạnh phúc của họ rất đơn giản, quanh năm suốt tháng tuy vất vả nhọc nhằn, sớm nắng chiều mưa gian khổ, nhưng họ không màng, lòng chỉ mong gia đình êm ấm, đủ ăn đủ mặc, con cái ngoan hiền, học hành đến nơi đến chốn, ngần ấy thôi là họ đủ vui rồi. Nhưng với thành phần trí thức thượng lưu, sự cảm nhận hạnh phúc của họ tế nhị hơn. Ngoài nhu cầu vật chất, đời sống hạnh phúc ở tinh thần là điều quan trọng. Vị bác sĩ, hạnh phúc của họ là được quên mình để quan tâm, chăm sóc, cứu giúp bệnh nhân thoát khỏi tử thần, đem lại niềm vui cho người bệnh. Hay như các nhà bác học, năm tháng miệt mài, thí nghiệm phát minh ra những công trình mới, sáng kiến mới, cống hiến cho nhân loại. Còn đó, niềm hạnh phúc lặng thầm của những vị thầy đứng trên bục giảng, nhìn thế hệ học trò tầng tầng lớp lớp, công thành danh toại do chính mình vun đắp … Đó là những niềm vui rất đáng được trân trọng.
Song, vạn pháp hiện hữu trên cõi đời này dù thô hay tế, đều đi theo luật Thành, Trụ, Hoại, Không. Nó được hình thành và tồn tại trên lý Duyên sinh. Do đó, những hạnh phúc kể trên nó cũng chịu sự chi phối của định luật Vô thường, nó vẫn bị vương vấn trong vòng rào Có và Không. Thành tựu được như ý nguyện thì hạnh phúc; còn ngược lại, buồn vui, đau khổ là điều không sao tránh khỏi. Con người sống trên đời cứ mãi chao đảo trong sự được mất thì còn gì để gọi là hạnh phúc ? Trong bài viết này tôi muốn bày tỏ, ngoài những thứ hạnh phúc hiện thực mà chúng ta đã thấy, còn có thứ hạnh phúc gần gũi, chân thật hơn, ở ngay nơi chúng ta, nhưng ta mãi chạy theo mong cầu những điều xa xôi mà bỏ quên nó. Đó là hạnh phúc khi ta được thân người. Tại sao được thân người là điều hạnh phúc ? Vì đây là một trong bốn điều khó gặp mà trong kinh Đức Phật thường nhắc nhở : “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe, tín tâm khó phát, bạn lành khó gặp”. Sống động hơn, đó là hình ảnh con rùa mù trăm năm nổi lên một lần nơi biển cả, tìm bọng cây nổi để chui vào, vẫn còn dễ dàng hơn chúng ta, khi mất thân người thì muôn kiếp khó tìm được lại. Vì sao ? Bởi vì rùa tuy mù, đại dương dẫu mênh mông, song vẫn có cơ hội để nó tìm được bọng cây. Còn chúng ta tuy được làm người nhưng không biết quý trọng thân này, không biết tu nhân tích đức, cải ác tùng thiện, giữ gìn ba nghiệp, quy y Tam bảo, thọ trì năm giới. Ngày tháng thoi đưa, cứ mặc cho ba nghiệp phóng túng, dong ruổi theo sáu trần, nào sắc đẹp, tiền tài, danh vọng để thỏa mãn tâm tham ái dẫy đầy, tạo ra muôn trùng tội lỗi không phút nào ngơi. Nếu một phen đọa lạc trầm luân trong sáu nẻo, nghiệp ác ngày càng tăng bởi si mê chồng chất thì biết đến bao giờ mới ra khỏi, để tìm lại được thân người như trước ?
Hai hình ảnh đối lập giữa người và vật được đưa ra so sánh biểu trưng, mức độ cách xa đó cho thấy thân người quý trọng đến dường nào ? Ấy vậy mà xưa kia có thi nhân đã thốt lên :
“Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Vì sao thi nhân lại nói thế ? Có phải chăng cuộc sống của kiếp người có nhiều trái ngang bất hạnh, đời giả trá bạc đen, tình đồng loại cơ hồ mai một, người thì sang cả lắm của nhiều tiền, kẻ thì cơ hàn áo cơm chẳng đủ ? Song, dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng không có quyền chối bỏ, quay lưng “xin chớ làm người”, mà chúng ta hãy thật lòng đón nhận kiếp sống của một con người trong từng bối cảnh, có thế chúng ta mới thấy được niềm vui sống, thấy được cuộc đời vẫn còn nhiều số phận đáng thương đang đợi chờ ta nâng đỡ. Ngày xưa, khi gặp cảnh trái ngang, chính tôi cũng đã nói như thế, nhưng giờ đây gẫm lại mới thấy mình ngu dại vô cùng. Cuộc đời đâu có chối bỏ ta, cớ sao ta nỡ lòng quay lưng ngoảnh mặt ? Trong một xã hội văn minh, chúng ta cần phải thức thời dung hòa cuộc sống, không thể nào giữ mãi định kiến:
Mọi người đục cả, mình ta trong.
Mọi người say cả, mình ta tỉnh.
(Khuất Nguyên)
Tuy chúng ta chưa đầy đủ khả năng đạt đến trình độ ung dung, “thỏng tay vào chợ”, nhưng chúng ta có thể tùy duyên mà chọn lọc những cái hay, nét đẹp tích lũy cho mình, để giúp cho đời sống tâm linh của chúng ta ngày càng phong phú hơn. Chúng ta may mắn được làm người là do duyên nghiệp xưa kia của ta gieo tạo, vậy thì hôm nay ta phải biết nâng cao giá trị làm người, giá trị cao quý của con người là phải biết cảm thông, xẻ chia vun đắp, biết tùy thời để sống, đem lại lợi ích cho tha nhân, phải thiết tha xem đó là trách nhiệm và bổn phận. Như lời của một nhà thơ :
Đã là con chim và chiếc lá,
Thì chim phải hót và lá phải xanh,
Đã là người có vay thì phải trả,
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
Ôi ! Một sinh vật hữu tình bé nhỏ, một chiếc lá thầm lặng bên thềm mà còn nhận ra được trách nhiệm bản thân để hiến dâng cho cuộc sống này thêm sắc màu tươi đẹp. Huống chi làm một con người ? Dù cư sĩ hay tu sĩ, trên vai đều oằn nặng bốn ân : Ân cha mẹ sanh thành dưỡng dục, ân Sư trưởng nặng lòng giáo hóa, ân quốc vương khiến đất nước bình yên, ân bạn lành tận tình giúp đỡ. Tất cả chẳng ai đòi, nhưng bản thân làm người chúng ta không thể nào mặc nhiên thọ hưởng, bởi quy luật tuần hoàn : “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Sống mà được cho người những gì mình có, cũng là một điều hạnh phúc. Nếu ta không có vật chất để cho người thì hãy cho nụ cười nhân ái, lời nói dịu dàng đầy tình thương chân thật của chúng ta. Đức Phật khi xưa xuất gia từ bỏ cung vàng điện ngọc, Ngài đâu có bạc tiền để cho thiên hạ. Nhưng với tấm lòng từ mẫn, với trí tuệ siêu phàm, Ngài đã cho nhân loại một con đường an lạc, giải thoát ngay cõi Ta bà. Lời tuyên ngôn “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có hận thù trong giọt nước mắt cùng mặn” của Ngài đã mở đầu cho kỷ nguyên mới đậm chất tình người, thể hiện tinh thần bình đẳng, vô ngã, vị tha. Ngài không những mở đường chỉ lối, đưa chúng sanh ra khỏi vòng kiềm tỏa, uy quyền của giai cấp, mà còn cho chúng sanh thấy rằng số phận con người được hình thành do bởi Nghiệp báo, Nhân quả, Duyên sinh của chính mình.
Chẳng còn bao lâu nữa, khắp cả hoàn cầu, hàng ngàn Phật tử nô nức đón mừng ngày Phật đản, cùng nhau chí tâm thành kính hướng về Từ phụ, vị cha lành xuất hiện trên cõi Ta bà, đem lại niềm hân hoan cho nhân loại. Nếu cách đây hơn 2500, Ngài đã từng lau khô dòng lệ cho giai cấp Thủ-đà-la, Phệ-xá, thì hôm nay chúng con - đệ tử của Người, cũng nguyền nối gót, nguyện cầu cho chúng sanh vơi niềm đau khổ, thêm nhiều hạnh phúc. Điều căn bản là phải biết nâng niu, quý trọng hạnh phúc lớn lao khi ta được thân người. Quý trọng thân người đây không phải để chúng ta bồi bổ, ăn ngon, mặc đẹp, mà nương vào đó để chúng ta vun bồi phước tuệ, hoàn thiện nhân cách cho chính mình và làm lợi ích cho nhân loại. Giàu sang hay đói khổ, thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau, đều tùy thuộc vào chính bản thân ta. Do đó, hôm nay ta được thân người hoàn chỉnh, được nghe chánh pháp, phát tâm lành tu học, có được bạn hiền giúp đỡ, đó là một hạnh phúc vô cùng vĩ đại.
Trong niềm hạnh phúc hân hoan mừng ngày Phật đản, xin cho con được thành kính dâng lên Từ phụ lời tán thán :
Đức Thế Tôn cao cả tuyệt vời !
Từ bi thị hiện khắp muôn nơi
Ban cho nhân loại niềm vui sống
Cho con hạnh phúc được làm người
Lắng nghe chánh pháp vơi sầu khổ
Diệt tận nguồn mê trí sáng ngời
Hạnh phúc trong muôn ngàn hạnh phúc
Làm người hạnh phúc nhất trên đời !
Thích Nữ Tắc Phú | ||